12.1.16

Chuyện buồn giữa rẻo cao của cô giáo cắm bản

Khó khăn, núi cao, gió sâu, sương mù ở những nơi rẻo cao mờ sương, ngày ngày các giáo viên cắm bản vẫn cõng từng con chữ, đưa từng câu hát để đem lại ánh sáng tri thức cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Gian nan vất vả là thế, nhưng chưa một ngày thầy cô, rời giáo án. Thế nhưng, việc đảm bảo an toàn cho các giáo viên cắm bản vẫn đang là câu hỏi nhức nhối, nhất là sau chuyện của cô giáo Bùi M.N. (SN 1988), giáo viên trường tiểu học Loóng Luông (Vân Hồ, Sơn La) bị tên nam sinh hãm hại. Nó đang là bài học đau đớn, đầy xót xa và cảm thông.

Vụ việc đau lòng

Cuối giờ chiều 31/12/2015, tin từ Công an huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La thể hiện, đơn vị đang tích cực điều tra, làm rõ vụ việc cô giáo Bùi M.N. (SN 1988), giáo viên tại điểm bản Suối Bon, của trường tiểu học Loóng Luông bị 5 học sinh lớp 9 lợi dụng đêm tối đã khống chế và giở trò đồi bại.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, trước đó đêm 24/12, cô N. đang ngồi soạn giáo án tại điểm trường Suối Bon để hôm sau lên lớp  dạy học thì bất ngờ bị 5 nam sinh lớp 9, độ tuổi 15-16 lao vào khống chế, giở trò đồi bại, mặc cho cô giáo khóc lóc van xin. Sau khi đạt được mục đích xấu xa, các đối tượng này đã nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Ngay sau đó cô N. đã đến cơ quan chức năng tố cáo hành vi mất nhân tính, vi phạm đạo đức của người học trò. 

 Điểm trường khó khăn của cô H.


Nhận được tin báo, xác định đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng, Công an huyện Vân Hồ đã sàng lọc các đối tượng, lần theo dấu vết và nhanh chóng bắt được nhóm đối tượng trên bao gồm:  Lý Văn Hạnh, Bàn Văn Hùng (SN 1999), Bàn Văn Sơn, Bàn Văn Dương, Bàn Văn Hiệu (SN 2000) đều trú tại bản Suối Bon và hầu hết đang học lớp 9  tại trường THCS Loóng Luông. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng này đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Vụ việc đau lòng xảy ra đối với cô giáo cắm bản ở xã Loóng Luông khiến mọi người hết sức bàng hoàng. Bản Suối Bon (xã Loóng Luông) những ngày cuối năm chìm trong sương mù và ảm đạm. Người dân nơi đây không ngờ hành vi đồi bại đó lại có thể xảy đến với giáo viên cắm bản, những người mà đồng bào vùng cao vô cùng yêu quý. Theo ông Bàn Văn Hán, Trưởng bản thì Suối Bon từ trước đến nay vốn rất bình yên, không ngờ, giờ lại xảy ra việc đau lòng như vậy.


Trường tiểu học Lóng Luông, nơi cô H. công tác.

Các đối tượng trong vụ án trên đều rất trẻ (15-16 tuổi). Những gia đình có con em tham gia vụ việc trên ở bản Suối Bon hết sức đau lòng và xót xa. Với trách nhiệm người cha, người mẹ, họ đến nhà để xin lỗi và mong cô giáo H. tha thứ cho hành động của đám trẻ. Những phụ huynh này cũng làm đơn gửi cơ quan công an xin xem xét.

 Trường tiểu học Lóng Luông mới được thành lập do được tách từ trường tiểu học Vừ A Dính vào tháng 11/2014. Trường có 29 giáo viên, trong đó chỉ có 5 nam giới với 4 điểm bản, gồm trường chính ở bản Lóng Luông, điểm bản Ba Khan, Suối Bon và Lũng Xá – Tà Dê. Trong số 24 giáo viên nữ, chỉ có cô giáo H. là ở nội trú.

Theo cô Vũ Thị Mận, Hiệu trưởng trường tiểu học Lóng Luông, cô giáo H. về trường được 4 năm, mới chuyển xuống bản Suối Bon dạy học từ tháng 9/2015. Trước đây, ở xã chưa bao giờ xảy ra chuyện giáo viên bị thanh niên bản bắt nạt hay trêu ghẹo. Hầu hết, dân bản đều thương yêu những giáo viên đã chấp nhận hy sinh tuổi xuân, vượt khó mang con chữ đến với con em họ.

Chuyện đời buồn của cô giáo truân chuyên

Cũng theo cô Vũ Thị Mận, tháng 9/2015 cô giáo H. được phân về điểm trường Suối Bon, xã Loóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Đây là điểm trường xa nhất của xã. Những ngày gieo chữ, cắm bản, cô H. luôn được bà con bản Suối Bon quý mến, họ đùm bọc và coi cô như người nhà. Dân bản thương cô giáo cắm bản phải sống một mình giữa rẻo cao. Có mớ rau rừng, con cá suối nào, bà con cũng dành cho cô một ít. Cô H. cũng thương yêu đám học sinh nơi này như chính con của mình. Ngày ngày, ngoài thời gian lên lớp, cô còn vào bản đến từng gia đình trao đổi với phụ huynh về việc học hành của lũ trẻ. Không chỉ vậy, cô còn tranh thủ học tiếng Dao để dễ giao tiếp với bà con.

Thế rồi chuyện đau lòng trong đêm giá rét ngày cuối năm như giông tố đổ ập đến cuộc đời cô. Trong ngày Noel, người bạn trai N. từ Sơn La xuống thăm cô. Thế nhưng, đám trai choai choai kia tìm cách gây sự đánh bạn cô thừa sống thiếu chết. Dù cô giáo H. có khuyên can thế nào, đám trai bản kia cũng không dừng lại. Ngay sau đó, bạn trai cô đã phải trốn tạm trong phòng ở của cô.




Tối đó, cô nhường phòng cho bạn trai nghỉ đêm còn mình ra lớp học soạn bài cho kịp nguy mai lên lớp. Không ngờ 5 gã trai mới lớn này sau khi đi ăn cưới dưới bản đã quay trở lại và gây ra vụ việc đau lòng. Ngay trong đêm, người bạn trai của cô giáo đã phát hiện ra, anh này lao ra giải cứu H. nhưng bất thành, chúng đã khóa cửa và dọa nếu anh mở cửa hoặc báo ai chúng sẽ giết cả hai. Trong cơn hoảng loạn, bạn trai cô đã chạy lên bản hô hoán mọi người đến giải cứu cô giáo.

Có lẽ đêm buồn lạnh giá đó là ngày bi kịch tê tái nhất trong cuộc đời vốn truân chuyên của cô H. Cô đã khóc đến cạn cả nước mắt. Đôi mắt cô đỏ hoe, thâm quầng vì những đêm mất ngủ. Các đây 5 năm, sau khi ra trường, cô H. xin về dạy tại trường tiểu học Vừ A Dính thuộc xã Lóng Luông. Những ngày đi cắm bản, vận động học sinh đến lớp, cô H. quen một thầy giáo dạy cùng trường. Đúng 1 năm sau ngày ra trường, cô và thầy giáo này kết duyên vợ chồng. Và kết quả của tình yêu ấy là một bé trai kháu khỉnh ra đời. Thế nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, họ phải chia tay sau những ngày dang dở. Cô H. nhận nuôi con một mình. Do cuộc sống trên bản quá khó khăn, H. phải gửi con cho bà nội nuôi, còn mình ở lại cắm bản. Cứ cuối tuần, cô H. lại tranh thủ về thăm con.

Tháng 11/2014, trường tiểu học Lóng Luông được tách ra từ trường tiểu học Vừ A Dính. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của cô giáo H. nên nhà trường phân cô giáo H. về dạy tại bản Suối Bon. Trong số 4 điểm trường của xã Loóng Luông, chỉ có điểm trường Suối Bon là có phụ cấp bản đặc biệt khó khăn. Do vậy, nhà trường cũng mong cô giáo H. có thêm phần thu nhập để giải quyết khó khăn của gia đình. Thế nhưng, nỗi buồn tan vỡ hạnh phúc chưa nguôi, nỗi đau đã đổ ập xuống cuộc đời cô.
Có lẽ sau câu chuyện buồn của cô giáo H., ngành giáo dục cần quan tâm hơn đến an toàn của các cô giáo cắm bản. Vất vả khó khăn họ có thể vượt qua được nhưng an toàn phải được đặt lên hàng đầu.


An toàn cho cô giáo cắm bản cần phải đặt lên hàng đầuCô Trịnh Thị Thơ, Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Lóng Luông bộc bạch: “Sau chuyện này chúng tôi mong chính quyền xã, đặc biệt là ở những bản có giáo viên cắm bản có biện pháp đảm bảo an toàn cho giáo viên. Chỉ khi nào các cô giáo được đảm bảo an toàn, họ mới yên tâm giảng dạy. Hiện tại, ở các điểm bản của trường mà có giáo viên cắm bản, nhà ở cho giáo viên vẫn phải ngăn lớp học ra làm chỗ ở cho giáo viên. Các cô giáo chưa có phòng ở chắc chắn”.

Trần Phương (Đời sống & Pháp luật)