Đã gần 10 năm qua, quán trà vỉa vè giữa ngã 3
Tôn Đức Thắng – Đoàn Thị Điểm (Đống Đa – Hà Nội) là nơi hàn nguyên, tâm sự của những người câm
cùng cảnh ngộ. Giống như những nghệ sĩ múa thiên tài, họ nói chuyện bằng tay,
khóc cười bằng tay. Bàn tay họ không chỉ là “ngôn ngữ” hình tượng mà còn là
“tiếng nói” thực sự hàng ngày của họ. Nhưng thay vì những sàn diễn huy hoàng,
đêm đêm họ tụ tập nhau ở quán trà vỉa hè này để tâm sự. Và, nhờ cái “vía” của
quá trà chị Loan, biết bao mối tình câm, đám cưới không lời đã được nảy mầm.
Chuyện tình hiếm có của người đàn bà
đặc biệt
Hà Nội
có một quán cóc đặc biệt, nơi đêm đêm những thanh niên câm điếc tìm đến hút
điếu thuốc thơm, uống chén nước trà, ăn thanh kẹo lạc và "nói" những
câu chuyện... bằng tay. 8h tối, không khí trên đường Tôn Đức Thắng tấp nập
người qua lại. Tôi tấp xe vào một quán trà đá lụp xụp ven đường. Thấy chị chủ
quán đang ngẩn người nhìn về phía những người khách, tôi gọi một cốc trà nóng
đến 3 lần nhưng vẫn không thấy chị phản ứng lại. Một anh bạn cạnh tôi nói nhỏ :
“Chị chủ quán bị khiếm khuyết, câm điếc, anh phải ra hiệu thì chị ấy mới nhìn
thấy”. Nói xong, người thanh niên này ra
hiệu cho chị chủ quán biết là có khách gọi nước, chị cười tươi rồi đưa cho tôi
một cốc trà nóng. Chị đưa hai ngón tay lên miệng ra hiệu cho tôi có hút thuốc
lá.
Tôi
muốn nói chuyện với chị nhưng không biết những động tác ra hiệu bằng tay. Sẵn
giấy bút trong túi, tôi viết lên đó những dòng chữ rồi đưa cho chị. Chị chủ
quán cầm tờ giấy trên tay, vừa đọc vừa suy nghĩ rồi cầm bút nắn nót viết lại
cho tôi những dòng chữ nghệch ngoạc. Sau một hồi nói chuyện bằng giấy bút, tôi
biết được tên chị là Nguyễn Quỳnh Loan (ngụ ở phố Thông Phong, Phường Quốc Tử
Giám, quận Đống Đa). Chị Loan năm nay 40 tuổi, quán trà của chị đã gần 10 năm
làm nơi tâm sự của những khiếm khuyết. Người dân nơi đây gọi quán trà của chị
là quán trà người câm.
Chị
Loan cho tôi biết, những ngày đầu mở quán trà hầu như ngồi cả tối mà không có
được một khách. Khách đến đây, gọi nước mấy lần chị không nghe thấy. Biết chị
bị câm nhưng không biết ra hiệu kiểu gì nên họ đành thở dài đi quán khác. Một
lần, có hai người đàn ông câm đến quán chị, họ ra hiệu cho chị muốn gọi hai cốc
trà đá. Gặp người cùng cảnh ngộ, họi nói chuyện với nhau qua ngôn ngữ của những
bàn tay. Từ đó, tối nào họ cũng ra uống trà để nói chuyện với chị. Người này
giới thiệu người kia, dần dần, quán trà nhỏ của chị Loan thành điểm đến của
những người khiếm khuyết.
Được
biết, chị Loan bị câm bẩm sinh. Chị là người con độc nhất trong gia đình, hiện
nay, chị mở quá trà đá để nuôi mẹ già đang ở độ tuổi xế chiều. Chồng chị là anh
Nguyễn Văn Hải, cũng là một người câm điếc bẩm sinh. Hai anh chị đến với nhau
từ tình yêu, từ lòng cảm thông của hai con người cùng cảnh ngộ. Hai người, bằng
một con đường riêng bí ẩn nào đó đã tìm thấy nhau, yêu nhau và trở nên vợ nên
chồng.
Ngày
mới quen nhau, anh Hải làm nghề chở xe ôm ở ngã ba Đoàn Thị Điểm – Tôn Đức
Thắng. Ngày chị mới mở quán trà đá, anh thường xuyên giúp chị chở hàng ra bày
bán. Những lúc chị có việc đi vắng thì nhờ anh trông giúp quán nước. Anh trở
thành khách thường xuyên không thể thiếu mỗi ngày của quán trà đá không lời.
Khi biết hoàn cảnh của chị, anh rất thương cảm và đem lòng yêu mến. Anh quyết
tâm học ngôn ngữ kí hiệu để có thể nói chuyện được với chị Lan và mọi người
trong quán mà không cần đến giấy bút. Nhiều đêm khuya, khi khách đến uống nước
đã ra về hết, chỉ còn lại anh ngồi lại tâm sự với chị Lan rất lâu.
Tình cảm của
hai người ngày càng gắn bó. Rồi họ đã đem lòng yêu thương nhau từ quán trà đá
này. Mấy tháng sau, đám cưới của hai người được tổ chức đơn sơ, giản dị nhưng
ngập tràn hạnh phúc. Người đến tham dự hầu hết là những khách quen của quán trà
đá không lời. Ai nấy đều mừng rơi nước mắt, nhất là mẹ già của chị. “Có nằm mơ
tôi cũng không dám nghĩ đến ngày mình sẽ được tổ chức đám cưới như thế. Anh ấy
đến với tôi giữa lúc tôi và mẹ già đang trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Anh ấy
không chỉ là một người chồng tốt mà còn là một chỗ dựa tinh thần vững chắc, là
người bạn thấu hiểu mọi tâm sự, nỗi lòng của tôi”, chị Loan tâm sự với tôi qua
mảnh giấy.
Chị Nguyễn Quỳnh Loan, chủ quán trà người câm.
Lúc tôi
đến, cũng có mấy người đàn ông khiếm khuyết đang uống trà ở đó. Họ dùng những
bàn tay khua đi khua lại như nhà ảo thuật đang diễn xiếc. Tuy miệng những vị
khách này không nói nên lời nhưng nhìn trong đôi mắt họ tôi cũng thấu hiểu được
niềm vui, niềm hạnh phúc. Tôi viết lên tờ giấy đưa cho một người đàn ông ngồi
cạnh: “Tên anh là gì? Quê anh ở đâu. Em có thể nói chuyện với anh được không?”.
Người đàn ông này ngạc nhiên cầm tờ giấy lên nhưng không đọc. Anh dùng hai bàn
tay đưa lên đưa xuống làm như tôi cũng hiểu kí hiệu của ảnh. Thấy tôi ngẩn
người không hiểu, chị chủ quán cầm tờ giấy, lấy bút viết dòng chữ: “Anh ấy
không biết chữ đâu, nếu em muốn nói chuyện chị sẽ phiên dịch giúp em”.
Được
chị Loan phiên dịch, tôi mới biết được người đàn ông câm kia tên Phạm Văn
Huỳnh, quê Đan Phượng (Hà Nội). Anh cũng là người câm bẩm sinh. Lên TP Hà Nội
làm cửu vạn nuôi hai đứa con nhỏ. Hiện anh và một số lao động khác đang trọ
cùng nhau tại một con ngõ nhỏ trên đường Tôn Đức Thắng. Cứ mỗi lần tôi đưa tờ
giấy, chị Loan và anh Huỳnh lại dùng bàn tay để “nói chuyện” với nhau. Sau đó,
chị Loan lại ghi vào giấy đưa cho tôi đọc. Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt
quãng liên tục bởi những lần những vị khách gọi nước hoặc người khách đứng dậy
trả tiền. Được biết, đây không chỉ riêng
là điểm hẹn người câm mà những người lành lặn thương cảm cho cảnh ngộ của chị
Loan cũng đến đây uống nước, ăn kẹo ủng hộ.
Nơi se duyên cho những
mối tình câm
Được
biết, quán trà người câm được mở từ 12 giờ trưa đến 11 giờ đêm. Như thấu hiểu
với những người cùng cảnh ngộ, chị Loan chỉ lấy tiền trà của những người câm là
1.000 đồng còn những người lành lặn khác đều là 2.000 đồng. Những người khiếm
khuyết nào đến đây chị cũng đều nhớ tên, tuổi và quê quán của họ.
Quán của chị Loan hầu hết là những người câm.
Một
người phụ nữ bước vào, mấy người đàn ông câm cười hồ hởi như lâu ngày không
gặp. Chị Loan bưng cốc trà nóng đến bên vỗ vai hỏi thăm. Những cánh tay lại
hoạt động không ngừng. Tiếng cười, tiếng ú ớ trong miệng, những đôi mắt tràn
đầy sự chia sẻ. Lúc về chỗ ngồi, chị Loan viết giấy bảo tôi, người phụ nữ vừa
vào tên Nga, quê Hòa Bình. 4 ngày qua chị về quê làm giỗ cho chồng đến chiều
nay mới xuống Hà Nội. Chị Nga cũng là một lao động tự do. Khuôn mặt và vóc dáng
chị quá già dặn so với cái tuổi 30. Được biết, chị đang phải làm quần quật từng
ngày, thay người chồng đã mất nuôi cậu con trai ăn học. Cũng may mắn, bố mẹ
chồng chị còn khỏe mạnh, vẫn có thể làm áng, giảm bớt gánh nặng cho chị.
Tuy tạo
hóa đã cướp đi đôi tai và lời nói của những con người này nhưng lại bù lại cho
họ tình cảm, tình người. Chị Loan cho tôi biết, 2 năm trước, quán trà nhỏ của
chị đã là “bà mối”, tác thành cho một đôi uyên ương cùng cảnh ngộ. Anh Long quê
Thái Bình và chị Trang quê Hưng Yên đã thành sau mấy tháng tâm sự ở quán trà đá
này. Ngày cưới, chính chi Loan cũng đã về Hưng Yên chúc mừng hạnh phúc họ. Được
biết, hiện tại anh Long và chị Trang đang làm thuê cho một trang trại ở Thái
Bình. Thỉnh thoảng họ cũng đưa nhau lên Hà Nội, đến quán trà đá chị Loan để gặp
và tấm sự với những người bạn cũ.
Hơn 11
giờ, sương bắt đâu rơi khiến trời càng thêm lạnh giá . Đường Hà Nội đã vắng
người qua lại. Chị Loan thu dọn đồ đạc để chuẩn bị ra về. Hơn chục cánh tay của những người đàn ông tật
nguyền vẫn đang còn tấm sự. Chị Loan ra hiệu cho họ là đã khuya, chị phải dọn
hàng. Họ đứng, bắt tay nhau và ra hiệu điều gì tôi không hiểu được. Lúc này,
anh Hải (chồng chị Loan) mới đến chở hàng về giúp vợ.
Theo Đời sống & Pháp luật