Thời gian gần đây, dư luận cả nước xôn
xao việc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An được cho là “ăn chặn”
gần 800 triệu đồng trong thời gian 2011-2015. Hiện sở LĐ-TB&XH đã chuyển
hồ sơ sang cơ quan công an để tiếp tục xử lý.
Sau khi biết thông tin, chúng tôi đã liên
hệ và có buổi trao đổi với ông Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh
Nghệ An. “Tôi không ngờ sự việc lại thành ra như vậy. Đúng là trong công việc
tôi chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ, tôi xin nhận lỗi về những sai phạm đó. Nhưng
tôi không hề tư lợi một đồng của trung tâm, tất cả số tiền tôi đều dùng phục vụ
công tác chung ở trong Trung tâm”, ông Phú nói.
Ông Phú khẳng định mình không lấy một đồng của Trung tâm.
|
Ông Phú cho biết, thời gian qua ông vô
cùng mệt mỏi khi trở thành tâm điểm của dư luận, ông phải tiếp nhiều đoàn đến
thanh tra, mỗi ngày nghe hàng chục cuộc điện thoại và phải liên tục giải trình
về những việc mình đã làm. Thế nhưng, điều ông đau lòng nhất là những tin nhắn
trách móc ông nhẫn tâm lấy tiền chế độ của các đối tượng trong trung tâm, “ăn”
từng miếng thịt, từng hạt cơm của người tâm thần.
“Gần 15 năm tôi công tác với vai trò giám
đốc tại trung tâm, từ thuở sơ khai còn chưa có cơ sở vật chất như bây giờ,
khuôn viên cỏ mọc um tùm, tôi cùng các cán bộ nơi đây chia nhau từng củ sắn,
xây từng viên gạch cho các đối tượng xã hội. Thế mà bây giờ mọi người bảo tôi
“ăn” gần 800 triệu…”, ông Phú nghẹn ngào.
![]() |
Không gian trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An.
|
Ông Nguyễn Xuân Phú (SN 1959) vốn là bộ đội
chuyển ngành về làm nhân viên Xí nghiệp thương binh Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thuộc Sở
LĐ-TB&XH Nghệ An. Năm 1995, ông đảm nhiệm vị trí Giám đốc xí nghiệp thương
binh huyện Đô Lương. Đến năm 2002 cho đến nay, ông về Trung tâm BTXH Nghệ An nhận
công tác với cương vị giám đốc.
Được xem là người có nhiều công sức và
tâm huyết, nhưng giờ đây ông Nguyễn Xuân Phú lại phải nhận án kỷ luật
đình chỉ công tác để làm rõ các vấn đề liên quan. “Nếu thực sự tôi có tư lợi,
tham ô số tiền trên thì tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm, nhưng tôi dám khẳng
định không bỏ túi một đồng nào trong số tiền trên. Từng ấy năm làm việc, nơi
này đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của tôi, mọi người tại đây đã là gia đình, tôi
làm sao nỡ phá đi công sức mình từng vun đắp, xây dựng”, ông Phú trần tình.
![]() |
Các đối tượng bảo trợ xã hội tại Trung tâm.
|
Trần tình về những sai phạm trong kết luận
của đoàn thanh tra, ông Phú cho biết thêm: “Mỗi bữa ăn của người neo đơn
và người tâm thần chỉ chênh nhau 1.000 đồng. Chúng tôi lo cho họ 3 bữa mỗi
ngày với số tiền trên, bao gồm củi, gạo, thức ăn, gia vị… thì còn đâu nữa để bớt
xén. Hơn nữa, trung tâm có một bếp chung nên các cán bộ phải nấu cho tất cả đối
tượng cùng nhau rồi mới chia ra”.
“Ngoài ra, kinh phí cho cán bộ đi công tác
gần như không có, vì vậy mới lạm chi vào tiền của trung tâm. Ngoài ra, năm nào
cũng phát sinh các khoản chi ngoài dự toán như đi tập huấn, tiếp khách, mua sắm
đồ dùng cho trung tâm… Nguồn tự chủ bị hụt, không đủ nên trung tâm đã vận dụng
sang nguồn không tự chủ. Về khoản này tôi xin nhận trách nhiệm”.
“Tôi biết đó là lỗi sai của tôi, nhưng
không ngờ chuyện này lại ảnh hưởng đến gia đình tôi. Lâu nay vợ tôi phải xin
nghỉ ở nhà vì mệt mỏi, không dám đi đâu vì sợ mọi người chỉ trỏ. Cả cuộc đời
tôi dành hết cho trung tâm, đến cái nhà cũng không xây dựng đàng hoàng cho vợ
con. Người con gái út vừa lấy chồng cũng chưa có nhà vẫn ở cùng chúng tôi chứ
có sướng gì đâu”, ông Phú nói.
![]() |
Căn nhà cấp 4 của vị giám đốc gần 15 năm làm việc tại Trung tâm BTXH.
|
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4 tại
huyện Đô Lương (Nghệ An), bà Nguyễn Thị Hường (SN 1965, vợ ông Phú) dáng vẻ mệt
mỏi, đôi mắt thầm quầng vì thiếu ngủ. Mấy ngày nay bà Hường cũng liên tiếp nhận
nhiều cuộc gọi chia sẻ của bạn bè và người thân.
“Từ ngày chồng tôi lên làm giám đốc thì ở
trung tâm còn nhiều hơn ở nhà. Mấy năm nay còn đỡ, chứ cách đây 10 năm thì mọi
tâm tư ông ấy đều dành lên đó hết. Tiền ở đâu thì tôi không thấy, chứ nhiều khi
còn phải bỏ tiền túi cho mọi người, làm giám đốc nhưng mình ăn chưa no đã phải
lo cho người khác không đói chứ có sung sướng gì đâu”.
“Mọi người bảo chồng tôi “ăn” gần 800 triệu,
nhưng chú xem bao năm nay gia đình tôi vẫn sống trong căn nhà cũ cấp 4 này.
Trong nhà không có tài sản gì đáng giá ngoài chiếc tivi, bàn ghế, tủ cũng đã cũ
kỹ. Nếu có tiền thì chúng tôi làm gì phải sống khổ sở thế này”, bà Hường mệt mỏi
cho biết.
![]() |
Bà Hường mong muốn các cơ quan chức năng xét công sức chồng bà xây dựng trung tâm để phân xử khách quan.
|
Bà Hường cho biết thêm, sau khi có kết luận
của đoàn thanh tra, gia đình chịu rất nhiều áp lực, ai cũng suy sụp hẳn. Bà rất
mong đoàn thanh tra, các cơ quan chức năng xem xét lại toàn bộ sự việc, nhìn lại
quá trình cống hiến nhiều năm để trả lại công bằng cho ông Phú.
Đánh giá về con người và nhân phẩm của
giám đốc Phú, ông Nguyễn Văn Ba, Trưởng phòng Y tế tại trung tâm cho biết: “Anh
Phú là người tâm huyết với trung tâm, điều này tất cả các cán bộ đều khẳng định.
Từng ngôi nhà dành cho các đối tượng nơi đây đều do một tay anh ấy xây nên.
Trên cương vị giám đốc, phải quán xuyến nhiều việc, tất nhiên có những việc làm
sai không thể tránh khỏi, nhưng sẽ ít có người nào dành trọn cả đời mình để phục
vụ trung tâm này như anh Phú đâu”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng
Dương, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An cho biết, điểm sai của ông
Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc Trung tâm là đã buông lỏng quản lý, lãnh đạo và điều
hành đơn vị không tuân thủ theo nội quy, quy chế đã xây dựng.
Ngoài ra, ông Phú đã bố trí phân công,
phân nhiệm cán bộ không hợp lý, vi phạm những việc không được làm theo quy định
của Luật Viên chức và Luật Ngân sách; buông lỏng nguyên tắc quản lý tài chính
trong việc thanh quyết toán chế độ sinh hoạt phí cho đối tượng, quản lý nhà ăn.
Sau khi có kết luận của thanh tra, hai người
chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này là ông Nguyễn Xuân Phú - Giám đốc và
bà Nguyễn Thị Thu Phương - Phó Giám đốc, đã bị tạm đình chỉ chức vụ và công
tác. Sở cũng đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang Cơ quan công an. Hiện, Cơ quan điều
tra sẽ xem xét làm rõ những nội dung sai phạm đó".
Anh Ngọc - Nguoiduatin.vn