5.11.15

Kỳ tích cứu sống nạn nhân tim ngừng đập và cô gái xẹp phổi hồi sinh

Một bên phổi không còn chức năng hô hấp, bệnh nhân liên tục ho ra máu cơ thể suy kiệt nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp hoặc sốc mất máu. Hai trường hợp bệnh nhân còn khá trẻ (24 tuổi) bị lao dẫn đến tổn thương các cơ quan hô hấp, rơi vào tình trạng ngưng tim, suy hô hấp vừa được y, bác sỹ tại bệnh viện Phổi Trung ương cứu sống kịp thời.

Suýt bị trả về nhà để lo...hậu sự

PV đã đến khoa Hồi sức của bệnh viện Phổi Trung ương để trực tiếp tìm hiểu hai ca bệnh vừa được may mắn cứu sống. Nắm tấm dây vải, Nguyễn T.H. (24 tuổi, Giao Thuỷ, Nam Định) đang cố gắng ho, tập thở đều đặn theo hướng dẫn của bác sỹ. Khuôn mặt tỉnh táo, H. chia sẻ với PV: “Lúc cân nặng em “đỉnh cao” là 53 kg. Tuy nhiên, một thời gian sau cân nặng em xuống còn 46 kg, hiện nay là 44 kg. Em cũng có đến bệnh viện kiểm tra sức khoẻ nhưng các bác sỹ cho biết em bị suy nhược có thể do làm việc quá sức. Tình trạng này diễn ra vài năm trời rồi, em đi đến 4, 5 bệnh viện nhưng vẫn không biết rõ mình bị bệnh gì”.

Chị Nguyễn Thị V. A. chị gái bệnh nhân cho biết: “Cách đây hơn một tháng, H. thường xuyên sốt về chiều. Gia đình chúng tôi đã đưa em đi khám ở bệnh viện tỉnh, Trung ương. Nhiều xét nghiệm được các bệnh viện làm. Họ nghi ngờ em tôi bị ung thư máu, thậm chí tiến hành chọc tuỷ, tuy nhiên vẫn không tìm ra được bệnh. Chúng tôi rời viện với kết luận em gái tôi bị suy nhược và cần bồi bổ. Các bác sỹ khuyên gia đình tôi đưa em sang viện Huyết học Truyền máu Trung ương để kiểm tra về máu kỹ hơn”.



Khi gia đình đưa H. tới viện chuyên về máu để kiểm tra, vừa ra đến cổng viện bất ngờ H. bị ho ra máu tươi phải quay lại nhập viện tức khắc. 9h tối hôm đó, H. tiếp tục nôn ra nhiều máu phải cấp cứu. Ngày hôm sau, H. được chuyển sang bệnh viện Phổi Trung ương trong tình trạng suy hô hấp, ho ra nhiều máu.

Tiến sỹ, bác sỹ Hoàng Thị Phượng, Trưởng khoa Lao hô hấp (bệnh viện Phổi Trung ương) cho biết: “Tình trạng của bệnh nhân H. khi vào viện rất nguy kịch vì cháu ho ra máu rất nhiều, suy hô hấp nặng phải thở ô xy, cơ thể suy kiệt. Bệnh nhân được chẩn đoán là lao phổi, tổn thương hang. Kết quả chụp phim cho thấy, bệnh nhân bị xẹp phổi bên trái. Bệnh nhân không thể can thiệp bít mạch phế quản để ngăn chặn tình trạng ho ra máu. Chúng tôi đã điều trị nội khoa tích cực sử dụng thuốc cầm máu, tuy nhiên tình trạng ho ra máu vẫn rất nặng đe doạ tính mạng của bệnh nhân. Đây là trường hợp bệnh lý khá phức tạp. Ngay sau đó, chúng tôi đã đề xuất hội chẩn cấp cứu bệnh nhân xét phẫu thuật. Bảy khoa của bệnh viện bao gồm khoa Lao hô hấp, kế hoạch tổng hợp, chẩn đoán hình ảnh, soi phế quản, cấp cứu, phẫu thuật lồng ngực, gây mê hồi sức đã được triệu tập để cùng hội chẩn ca bệnh này”.

Bác Nguyễn Ngọc Khánh, người nhà của một bệnh nhân đang cùng nằm tại khoa Hồi sức cho biết: “Thời điểm cháu H. đang nằm cấp cứu. Người nhà tôi cũng đang điều trị tại đây. Ở bên ngoài, khi các bác sỹ trao đổi về tình trạng của cháu H là 1 phần sống, 9 phần chết. Có ý kiến cho rằng  nguy kịch thế này, nên cho cháu về nhà …lo hậu sự. Tuy nhiên, tôi khâm phục mẹ cháu về sự quyết tâm. Mẹ cháu một mực nói chỉ cần một % cơ hội cũng mong các bác sỹ cố gắng. Gia đình họ có niềm tin các bác sỹ sẽ cứu sống được con gái của chị. Nhìn cháu H. bây giờ, phải nói đúng là cháu được “hồi sinh”.

Cải tử hoàn sinh khi tim đã ngừng đập

Quả thật phải nói chuyện với người trực tiếp tham gia kíp phẫu thuật cho H. mới thấy hết được sự cố gắng, quyết tâm của các bác sỹ tại viện. TS.BS Đinh Văn Lượng, Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực kể lại: “Với các trường hợp thể trạng tốt thì phẫu thuật sẽ đơn giản hơn. Tuy nhiên, cố gái quá yếu. Quá trình gây mê, hồi sức, khi trên bàn mổ, bất cứ lúc nào cô gái cũng phải đối mặt với guy cơ tử vong. Chúng tôi lo nhất là nguy cơ trào ngược, ho ra máu khi đặt ống gây mê cho bệnh nhân. Phổi bên phải sẽ bị bít tắc và bệnh nhân có thể tử vong ngay trên bàn mổ. Rất may, bằng sự phối hợp nhịp nhàng. Sau hơn gần 5 tiếng đồng hồ, ca mổ đã thành công tốt đẹp”.

Chị gái bệnh nhân tâm sự: “Lúc nhìn các bác sỹ ra khỏi phòng mổ với khuôn mặt vui vẻ, bố mẹ tôi mừng quá phát khóc. Có lẽ, phúc nhà tôi còn lớn nên trời vẫn thương em nó, thương gia đình chúng tôi đã cho em nó gặp thầy, gặp thuốc”. 

Kíp mổ đã lấy được các tổn thương ở phổi, ngăn chặn được tình trạng ho ra máu. Sau 2 ngày mổ, kết quả chụp phim cho thấy phổi nở tốt. Dù còn nằm trong phòng Hồi sức nhưng biểu hiện lâm sàng của H. khá tốt. Việc H. trò chuyện được với PV và các bác sỹ phần nào cho thấy kết quả vô cùng khả quan của bệnh nhân. H. tâm sự: “Bây giờ, em tỉnh nghe cả nhà kể lại em mới thấy mình may mắn. May mắn vì tìm ra bệnh, may mắn được các bác sỹ tận tình cứu chữa, may mắn vì có người thân quyết tâm không buông xuôi”.


Trường hợp thứ hai mà chúng tôi muốn đề cập là trường hợp của chàng kiến trúc sư Võ Minh T. (24 tuổi, quê Tiên Lãng, Hải Phòng). Ca bệnh này lại khiến các bác sỹ rất bất ngờ vì mức độ tiến triển bệnh quá nhanh, nguy cơ tử vong bất kỳ lúc nào trong khi cấp cứu. Trải qua thời khắc sinh tử, giờ T. đã có thể ngồi nói chuyện. T. kể: “Bốn tháng trước, em bị ho, tức ngực. Em về nhà và có lên bệnh viện ở tỉnh kiểm tra. Tuy nhiên, bệnh viện không phát hiện được là em bị bệnh gì. Cân nặng của em vẫn tăng bình thường, không hề bị suy nhược. Đến khi ho ra máu, em nhập viện Phổi và được chuẩn đoán là lao tổn thương ở phế quản. Em còn được bố kể là đã ngưng tim nhưng may mắn được cứu sống. Không biết nếu hôm đó không được cấp cứu kịp thời thì giờ em có thể nói chuyện được với chị không!”.

Bác sỹ Hoàng Thị Phượng cho biết: “Trường hợp T. khá đặc biệt vì phổi của bệnh nhân không bị tổn thương nặng khiến dễ bị bỏ qua. Khi bệnh nhân nhập viện, chúng tôi phát hiện lao tổn thương phế quản gốc. Bệnh nhân ho ra máu rất nhiều và bị ngưng tim. Ngay lập tức, các ê kíp đã phối hợp nút mạch khẩn trương, đặt ống nội khí quản cấp cứu nhanh chóng. Lúc đó, từng phút, từng giây cũng là khoảnh khắc sống còn với bệnh nhân”.

Theo chia sẻ của các chuyên gia, điều đáng lo ngại là nhiều trường hợp bệnh nhân đến viện trong tình trạng rất nặng, bị bệnh lao không những tổn thương ở phổi mà còn dẫn đến tổn thương nhiều cơ quan khác. Bệnh nhân tốn rất nhiều chi phí thăm khám ở nhiều cơ sở y tế nhưng không phát hiện ra bệnh. Đó thực sự là một điều đáng lo ngại. Theo khuyến cáo, nếu người bệnh có dấu hiệu tụt cân không rõ nguyên nhân, ho ra máu, sốt về chiều…thì nên đến cơ sở chuyên khoa để có chẩn đoán chính xác.


Lao tai dễ bị chẩn đoán, chữa trị nhầmViệt Nam hiện vẫn đứng thứ 12 trong số 22 nước có người mắc bệnh lao cao và đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, TS.BS Hoàng Thị Phượng, Trưởng khoa Lao hô hấp còn chia sẻ về nhiều trường hợp bị lao tai hiếm gặp nhưng bị chẩn đoán nhầm với bệnh viêm tai giữa. Điển hình như một trường hợp giáo viên dạy Hoá (Hà Nội) từng được lên lịch mổ tại bệnh viện chuyên về Tai – Mũi - Họng. Thính lực hai tai của bệnh nhân gần như không nghe được gì. Tuy nhiên, trước ngày mổ 2 ngày, bệnh nhân đến viện Phổi Trung ương kiểm tra sau khi kiểm tra, các bác sỹ đã phát hiện bệnh nhân bị lao tai. Ngay sau đó, bệnh nhân được điều trị thuốc đặc hiệu chữa trị mà không phải phẫu thuật.

Theo Đỗ Thơm - Đời sống & Pháp luật