6.11.15

Vật vã xoay tiền xuất ngoại khẳng định đẳng cấp

Hiện nay nhiều bạn trẻ không nhiều tiền nhưng cố một lần xuất ngoại để chụp ảnh đăng facebook. Theo họ, như vậy là tạo sự đẳng cấp, sang chảnh với bạn bè, coi như một lần được đổi đời. Thậm chí có những bạn trẻ còn đi vay tín dụng đen, lãi suất cắt cổ chỉ mong một lần được cộp dấu vào hộ chiếu rồi trưng lên facebook. Sau chuyến phiêu du “ở bển”, nhiều người đã phải trả giá cho thú chơi ngông của mình.

Muốn "lên đai" thì phải xuất ngoại

Nếu như trước đây, đẳng cấp được thể hiện qua những hình thức chơi ngông như chơi xe sang, mua đồ hiệu, … thì hiện nay một bộ phận giới trẻ lại xuất hiện một kiểu “tự sướng” và khoe khoang khác. Không lắm tiền nhiều của như đại gia, nhưng nhiều bạn trẻ cũng khiến nhiều người giật mình với những chuyến xuất ngoại ăn chơi vung tiền không tiếc tay. Với họ, đây cũng là cách để thể hiện đẳng cấp dân chơi.

Dạo qua một số trang mạng xã hội, không khó để tìm ra những bức ảnh thể hiện đủ các cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố khi được xuất ngoại với những cảnh đẹp, bờ bãi ăn chơi. Nhân  vật trong bức ảnh nhận được hàng nghìn lượt like với những lời bình luận khen ngợi, ghen tị của cư dân mạng. Theo nhiều bạn trẻ, việc được cộp dấu vào hộ chiếu, du lịch ở nước ngoài tuy có đắt nhưng… xắt ra miếng. Theo nhiều bạn trẻ, độc, lạ và đẳng cấp nhất bây giờ chính là những bức ảnh được chụp tại Vạn Lý trường thành hay giữa khung cảnh lãng mạn của đảo JeJu - Hàn Quốc. Chỉ cần vài giờ bay sang Singapore, Hàn Quốc, Bangkok (Thái Lan), Bali, Hồng Kông và Bắc Kinh (Trung Quốc)... là những địa điểm lý tưởng để các bạn trẻ chịu chơi lựa chọn.

Các tín đồ sính ngoại khoe hàng lên facebook, blog không ngần ngại chia sẻ, họ đã phải bán hết những thứ mà mình có thậm chí còn vay nặng lãi... để một lần được gọi là chơi sang. Câu chuyện của bạn Nguyễn Phong, 27 tuổi (tại Thanh Hóa) khiến nhiều người choáng vì mức độ chịu chơi của chàng trai tỉnh lẻ, bố mẹ thuần nông. Thấy bạn bè gần xa đua nhau xuất ngoại, đăng ảnh lên facebook, coi đó là chiến tích của mình, Phong cũng nhất định phải một lần được bay sang “trời Tây” cho bạn bè sáng mắt. Sau chuyến xuất ngoại cùng cơ quan bị bỏ lỡ, nhìn tấm hộ chiếu nằm một góc Phong thấy tiếc. Chính vì thế Phong gom hết những thứ đáng giá của mình quy đổi thành tiền để một lần chiếc hộ chiếu kia được cộp dấu đỏ.

Đăng ảnh lên facebook chứng tỏ mình đang xuất ngoại

Sau lời mời gọi của một người quen sẽ đi Pháp du lịch, chiêm ngưỡng và thưởng thức những thứ tuyệt vời nhất của kinh đô ánh sáng, Phong quyết định sẽ liều một chuyến để bạn bè lác mắt. Chuyến xuất ngoại lần này dường như quá đắt với một dân chơi tỉnh lẻ như Phong.

Thấy Phong vật vã vì tiền để đi xuất ngoại cho bằng bạn, bằng bè, nhiều người có ý khuyên ngăn. Nhưng Phong gạt đi và cho rằng, họ không cùng đẳng cấp nên không thể hiểu được. Ký vào giấy nợ và cầm số tiền lớn trên tay, Phong hào hứng gọi điện cho chị bạn để làm thủ tục và chuẩn bị hành trang cho chuyến phiêu du của mình. "Ra đến sân bay, sau khi làm thủ tục xuất cảnh, được cộp dấu vào hộ chiếu, tôi liền chụp ảnh đăng facebook để bạn bè biết mình đang ở sân bay chuẩn bị đi Pháp du lịch. Sang đến nước bạn, mỗi địa điểm tôi cũng đều chọn góc đẹp nhất để chụp ảnh. Mỗi bức ảnh trưng lên facebook, tôi nhận được rất nhiều lời bình luận của bạn bè "chơi sang nhỉ", hoành tráng quá", "được sang bển rồi đấy"... tôi thấy sung sướng vì dường như mình đã được… lên đời, ở một đẳng cấp khác", Phong nói.

Sự thật sau chuyến phiêu du phù phiếm

Những tưởng đã cầm số tiền nặng tay cho chuyến xuất ngoại, nhưng Phong không ngờ, số tiền 5 "xập" (50 triệu đồng) như muối bỏ bể tại Paris hoa lệ. Nhẵn túi nhưng ăn chơi chưa đủ, quà vẫn chưa có cho bạn bè như đã hứa, Phong liền vay chị bạn đi cùng để "chơi" thêm. Thỏa mãn với chuyến xuất ngoại, khi trở về nước, trong túi cậu không còn một xu. 

Phong liền gọi điện về cho bố mẹ để xin tiền tiêu tạm thì mới biết, những đồng tiền để Phong khẳng định đẳng cấp của mình, bố mẹ đã bán thóc gạo trong nhà. Đến con lợn đang lớn cũng phải bán đi. Ngoài ra, Phong bị những đối tượng cho vay nặng lãi liên tục nhắn tin, gọi điện thúc giục trả nợ. Không chỉ vậy, chị bạn đi cùng cũng thúc Phong phải trả tiền. Nợ nần chồng chất, Phong mới nhận ra mình đã mua đẳng cấp ảo với cái giá quá đắt.

Thực tế không phải dân chơi nào cũng là thiếu gia, ái nữ hay con nhà có điều kiện kinh tế. Thế nhưng, với những bạn trẻ con nhà nghèo đang muốn "lên đai" thì chuyện chơi bời, thua thiệt, hơn kém trở thành tâm lý nặng nề. Việc đi ăn chơi ở các khu du lịch nước ngoài không đơn giản như đi phượt, "đập phá" ở bar trong nước. Có những dân chơi còn muốn khẳng định đẳng cấp bằng việc vòi tiền bố mẹ, vay nặng lãi để đưa bạn bè ra nước ngoài tổ chức sinh nhật. H. một dân chơi tại Hà nội còn cho biết, đã mạnh tay đưa bạn bè sang nước ngoài sinh nhật thì phải chi từ A đến Z. Sau đó là những bức ảnh được chụp cùng bạn bè, kèm theo bánh ga tô, nến lung linh trưng lên facebook. Vài giờ sau, họ sẽ nổi như cồn về độ chịu chơi, là dân chơi "pro".

Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

Trao đổi với PV, thạc sỹ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng: "Bản thân một số bạn trẻ đang có nhu cầu tự khẳng định đẳng cấp của mình – đó là chất liệu "dễ cháy". Nếu bước lên mạng xã hội, gặp ai đấy chụp ảnh sexy nhận được quá nhiều like, đó sẽ là que diêm khiến họ sẽ nảy sinh ý tưởng làm theo. Nếu gặp ai đó đăng ảnh hàng hiệu nhận được quá nhiều like, đó cũng là một que diêm mồi lên ý tưởng khoe hàng hiệu để khẳng định đẳng cấp của mình. Nếu họ thấy bạn bè có người đi nước ngoài, hưởng thụ cuộc sống rất sang chảnh, đó cũng là một mồi diêm khơi lên khao khát làm theo. Điều đó không có gì là sai, mỗi người có một thang giá trị riêng, nếu giá trị khẳng định đẳng cấp cao hơn giá trị khác và họ sẵn sàng hy sinh để đánh đổi tiền bạc của chính bản thân thì đó là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, nếu vì mình mà ảnh hưởng đến gia đình hay người khác thì đó là điều đáng trách".

Vì hư danh làm gia đình kiệt quệ là có tội
Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cũng cho biết: "Giới trẻ thì đang khát khao khẳng định giá trị khác biệt của mình trong thế giới phẳng. Nếu một số bạn trẻ sống khoa trương mà không ảnh hưởng đến ai thì đó là quyền của họ. Những người không thích khoa trương sẽ tự động tránh xa họ ra. Tuy nhiên, nếu vì hư danh mà làm gia đình kiệt quệ thì đó là có tội. Nếu hình thành thói quen sống với những giá trị ảo khiến cho bản thân trở nên cùng cực thì đến một ngày nào đó, khi sự thật bị bóc mẽ, chính họ sẽ sốc với bản thân mình. Giá trị phát ra từ cái "chất" bên trong bao giờ cũng được tôn trọng và bền vững hơn là những gì ta cố khoác bên ngoài".

Theo Mai Hằng (Đời sống & Pháp luật)