Trong quan niệm người Việt, người sở hữu hình xăm phải là
dân “anh chị” có "số má" hay ngôi sao điện ảnh, dân chơi sành điệu.
Tuy nhiên, hiện nay, xăm hình đang được giới trẻ, đặc biệt là phái đẹp công sở
ưa thích và coi nó như một món trang sức lạ mắt.
"Chạm trổ" tạo dấu ấn riêng
Để làm mới mình, nhiều người trẻ sẵn sàng chịu đau đớn để sở
hữu một hình xăm và coi đó là ấn tượng riêng của bản thân. Câu chuyện phái
đẹp công sở xăm hình trên cơ thể không phải là điều chưa từng được nhắc đến. Nhiều
người cho rằng, họ xăm hình là thể hiện cá tính, muốn đánh dấu một sự kiện quan
trọng của bản thân. Nhưng cũng có rất nhiều người thành kiến "chỉ gái hư
mới xăm hình".
Ảnh minh họa
Phạm Trang (27 tuổi), nhân viên tại ngân hàng ở Hà Nội đã khiến
đồng nghiệp, bạn bè ngạc nhiên khi sở hữu bông hoa hướng dương Nhật Bản đen nháy
trên bờ vai còn tấy đỏ. Họ bất ngờ vì từ trước đến nay, Trang được xem là người
lầm lì, ít nói và ăn mặc khá kín đáo. Nói chuyện với chúng tôi, Trang kể:
"Với nhiều người, việc xăm hình trên cơ thể là để lưu giữ một kỷ niệm và
thể hiện sự… biết chơi. Nhưng với tôi, xăm hình là để thử cảm giác mạnh khi bị
kim châm vào người, để biết mình còn cảm xúc, bởi tôi đã trải qua vài lần thất
bại trong tình yêu. Còn biết đau đớn, tức là mình vẫn còn có thể yêu thương một
ai đó. Tôi tưởng cả cơ thể và cảm xúc của mình đã đóng băng, chai sạn mất
rồi".
Trang kể với chúng tôi rằng, ban đầu khi có ý định xăm
hình, cô cũng rất lo lắng, sợ hãi. Bởi cô sinh ra trong một gia đình bố mẹ là
công chức và rất khó tính. Trang sợ bố mẹ có quan niệm những hình xăm sẽ biến
cô thành gái hư, dân "hổ báo". Sau khi được cô bạn thân khẳng định
rằng, nhiều người còn xăm trên lưng, ngực, thậm chí cả nơi kín đáo, Trang mới
mạnh dạn "khắc" lên mình bông hoa hướng dương Nhật Bản.
Sự lo lắng của Trang đã trở thành hiện thực. Bố mẹ cô sốc
khi cô con gái ngoan hiền bỗng dưng lại có “bông hoa” trên vai. Thậm chí, cô
còn tra hỏi con gái mình đang đi theo bang hội nào. Hậu quả, cô phải nhận những
ánh mắt miệt thị của người lớn tuổi. Họ giữ khoảng cách và nhận xét cô bằng
những từ ngữ cay nghiệt, coi thường. "Sau khi tôi xăm hình, sếp ít giao
việc cho tôi và bắt tôi phải ăn mặc theo kiểu kín cổng cao tường. Bởi sếp sợ khi
tôi gặp khách hàng thì họ sẽ đánh giá xấu về cơ quan nơi tôi làm việc. Mọi
người trong cơ quan tôi bảo rằng, người có hình xăm là người khó gần, đáng sợ
và hư hỏng. Khách hàng sẽ mất lòng tin, không muốn hợp tác với những nữ nhân
viên ngân hàng “chạm trổ” trên người", Trang nói.
Ảnh minh họa
Ngược lại với Phạm Trang là Vân Giang, 24 tuổi, nhân viên
văn phòng của một công ty hợp tác với nước ngoài tại Hà Nội. Cô gái này được
đánh giá là khá cởi mở và hiện đại. Cô sở hữu một Tattoo lông vũ (tên một nghệ
thuật xăm hình) tuyệt đẹp nơi cổ chân, được thiết kế không đụng hàng. Giang cho
biết: "Phụ nữ bây giờ xăm hình nhiều lắm. Thường thường các cô gái chỉ xăm
hình có kích cỡ nhỏ, ở chỗ khó thấy. Nhưng cũng có nhiều cô mạnh dạn, xăm hình
lớn ở tay chân để thể hiện đẳng cấp, sự sành điệu. Theo tôi, nếu coi đó là sở
thích thì cứ làm. Tuy nhiên, không phải cô gái công sở nào cũng mạnh dạn “khắc”
lên mình những hình xăm cá tính, dù họ cũng yêu thích loại nghệ thuật
này".
Điểm trừ khi có “vết”
Nhiều "girl công sở" biện minh rằng, họ xăm hình
chỉ để tạo ra sự mới mẻ trong cuộc sống, không có nghĩa là ăn chơi, thác
loạn. Hình xăm của họ có thể mặc đồ che đi, tránh ánh mắt tò mò, kỳ thị
của người xung quanh.
Để tìm hiểu thêm về mốt xăm hình của phụ nữ công sở, chúng
tôi gặp Nguyễn Dũng, 26 tuổi, chủ một “lò” xăm trên đường Kim Mã (Hà Nội). Dũng
bảo: "Rất nhiều khách nữ văn phòng tìm đến tiệm xăm của tôi. Mỗi người đến
xăm hình đều có một lý do. Người thì xăm để thể hiện quan điểm, cá tính của
mình. Người vì lý tưởng sống, thích làm đẹp, muốn có sự phá cách. Có người đi
xăm hình đơn giản là để che sẹo trên cơ thể. Việc nữ giới xăm hình hiện nay là
chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, theo tôi, các bạn nữ không nên chạy theo
trào lưu mà làm ảnh hưởng đến cuộc sống của mình, bởi mỗi hình xăm sẽ theo ta
cả đời. Khi đã “chạm trổ” lên người thì bạn muốn xóa vẫn còn vết sẹo".
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Phó giám đốc trung tâm Kỹ năng sống Rồng Việt - Vũng Tàu
Chiều 15/11, trao đổi với PV, chuyên gia tâm
lý Lê Khanh, Phó giám đốc trung tâm Kỹ năng sống Rồng Việt - Vũng Tàu cho rằng:
"Thời gian gần đây, trào lưu phái đẹp xăm hình phát triển khá mạnh ở Việt
Nam. Họ là những người có cá tính mạnh, muốn đi tìm cái gì đó khác lạ trong cái
chung của xã hội. Cũng có những cô gái chạy theo hiệu ứng đám đông hay bắt
chước một ca sỹ, nghệ sỹ mà họ thần tượng".
Cũng theo vị chuyên gia này, trước đây, giới xăm hình phải
là dân “anh chị”. Họ xăm để thể hiện sự “hổ báo” của mình hoặc để khoe đẳng cấp.
Chính vì thế, không ít bạn trẻ cũng có suy nghĩ mình phải là dân đẳng cấp,
chứng tỏ mình sành điệu, hơn người. Nhưng họ không biết rằng, sẽ có một điểm
trừ khi con gái trên người có “mực”. Bởi người Việt vẫn quan niệm con gái xăm
hình là không ngoan, thậm chí là hư hỏng, ngỗ ngược. “Tuy nhiên, tôi cho rằng,
những hình xăm không đủ căn cứ để đánh giá tính cách, phẩm hạnh của một con
người. Chúng ta không nên phê phán hay có cái nhìn quá khắt khe, bởi đó là sở
thích của từng người”, chuyên gia Khanh nói.
Thực tế cho thấy, đôi khi có những cặp yêu nhau, chuẩn bị
đi đến hôn nhân nhưng chàng trai phát hiện bạn gái có hình xăm thì lập tức quay
ngoắt 180 độ. Đó là một điều thiệt thòi cho cô gái, nhưng cũng phải hiểu cho
tâm lý của cánh đàn ông. Có thể chàng trai hiểu cho bạn gái nhưng dẫn về giới
thiệu với gia đình, bố mẹ biết con dâu tương lai của mình trên người có hình
xăm, họ sẽ suy nghĩ thế nào? Nhiều trường hợp xăm hình chưa thấy thể hiện được
đẳng cấp gì, sự sành điệu ở đâu, nhưng đã ảnh hưởng đến cuộc sống, tình cảm và
công việc của chị em.
Cân nhắc kỹ khi "chạm khắc" lên ngườiChuyên gia tâm lý Lê Khanh cho biết: "Dù hiện nay các cơ sở đều có dịch vụ xóa xăm nhưng chỉ xóa được với những hình xăm mờ, đơn giản, còn với hình xăm màu thì chỉ xóa được 80%. Nhiều bạn trẻ đã từng khốn khổ khi xăm tên người yêu lên cơ thể. Vì vậy, cần phải cân nhắc kỹ khi quyết định “chạm trổ” lên cơ thể mình. Đừng để khi chia tay hay vì một lý do nào đó lại phải đau đớn xóa đi hình xăm".
Mai Thu - Đời sống & Pháp luật