6.11.15

Truy tìm miếng dán “bịt mắt” cảnh sát giao thông


Thời gian gần đây, cánh tài xế truyền tai nhau một số thiết bị có khả năng đối phó lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT). Trong đó, có hai loại có khả năng vô hiệu hóa và khiến “súng thần” bị lóa không thể nhận diện được biển số. PV đã vào cuộc tìm hiểu và phát hiện nhiều tình tiết bất ngờ.

Săn lùng thiết bị “phá” tốc độ

Được mách nước, PV theo chân Mạnh – một tài xế chạy xe khách đường dài tuyến Vinh – Hà Nội bắt đầu cuộc săn lùng thiết bị có khả năng biến máy bắn tốc độ của CSGT thành “bù nhìn”. Thông tin mà PV ghi nhận được là hầu như các chủ xe khách chạy dịch vụ đều âm thầm gắn thiết bị này trên khoang lái. Việc này cũng được cánh tài xế cho biết là họ có thể chạy tới 60km/h, thậm chí là đạt 80km/h trong khu vực có gắn biển hạn chế  tốc độ, thản nhiên “qua mặt” CSGT.

Theo lời Mạnh thì việc mua các thiết bị chống bắn tốc độ không khó. Nhưng nếu không phải mối quen, nhất là không biết “ra hiệu”, rất có thể các chủ hàng sẽ không cung cấp. Vì thế, trước khi đến mua bán tại cửa hàng, PV được Mạnh “truyền” cho các ngón nghề mua thiết bị bằng cách “ra hiệu”, tránh sự hồ nghi từ phía chủ hàng.

Trong các địa bàn được cánh tài xế thường xuyên lui tới để tậu “hàng” thì khu chợ Trời, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) được ví như là thủ phủ của các mặt hàng này. Đã quá trưa, PV ghé vào một cửa hàng phong phú về phụ tùng ô tô nằm trên ngõ Thịnh Yên. Cảnh mua bán tấp nập, PV phải chen mình qua vài vị khách mới tiếp cận được một nhân viên bán hàng đeo kính và có dáng vẻ thư sinh.

Bước vào cửa hàng, PV làm động tác đưa hai tay giả vờ như đang cầm vô lăng đánh lái về bên phải thì anh nhân viên nhanh nhảu hiểu ý rằng chúng tôi đang cần một thiết bị chống bắn tốc độ.  “Anh cần hàng gì, Mỹ hay Nhật, vượt tốc độ bao nhiêu, cần khoảng cách bao xa? Bên em có PNI, Escort, Whistle đủ cả” – nhân viên này đon đả.

Khi chúng tôi yêu cầu muốn xem qua một thiết bị có giá “bèo” nhất, nhưng vẫn có khả năng đối phó tốt với súng bắn tốc độ của CSGT, người bán hàng đi vào trong khu được ngăn cách với khu bán hàng một cửa kính cách âm. Một lúc sau, người này quay lại đưa cho PV xem một mẫu máy bắn tốc độ được quảng cáo là sản xuất ở Malaysia, còn các thiết bị khác với công dụng tương tự nhưng là hàng Mỹ hay Nhật thì có giá cao gấp bốn đến năm lần.

Thiết bị được cho là có khả năng “chống” lại máy bắn tốc độ của CSGT.

Cầm trên tay một thiết bị màu đen, có tên là Cobra Touch Screen, nhìn bề ngoài có hình dáng giống như chuột máy tính, nhân viên quảng cáo: “Ngoài hình dáng giống như chuột máy tính, một số sản phẩm khác còn có hình giống ô tô đồ chơi hay hình quả bóng để ngụy trang nếu như xe đó bị CSGT tuýt còi bất ngờ. Hiện tại, những thiết bị này đang được cánh lái xe đường dài săn lùng. Ngày trước thì khách hàng chủ yếu là trong nội đô, tài xế chạy xe taxi nhưng gần đây, cánh tài xế xe khách, xe tải chở hàng Bắc – Nam cũng tìm đến rất nhiều. Cửa hàng em có lúc “cháy hàng” không đủ phục vụ nhu cầu của khách”.

Khi chúng tôi hỏi cách sử dụng, nhân viên hướng dẫn tận tình: “Mua thiết bị về, anh chỉ việc  gắn nguồn vào chỗ tẩu thuốc trên ô tô, còn máy thì gắn trên cabin, đầu có “mắt thần” hướng về phía trước. Khi vận hành, máy kêu tút tút những tiếng chậm hơn có nghĩa là đi qua bưu điện hoặc vùng có phủ sóng của quân đội. Còn nếu là khu vực có máy bắn tốc độ của công an thì tiếng tút kêu nhanh hơn".

Thấy chúng tôi chưa thực sự “kết” thiết bị này, gã nhân viên còn đưa ra thêm một vài thiết bị nữa có vẻ “hầm hố” hơn. Có thiết bị chỉ nhỏ bằng một bao thuốc lá, khá nhẹ, sử dụng nguồn điện 12V trên xe, mặt trên có dòng chữ Cobra Laser Superwide. Gã nhân viên còn khẳng định: “Máy này bên Mỹ có giá chỉ hơn 4 triệu đồng nhưng khi về Việt Nam có thể lên tới 8 – 9 triệu đồng. Anh muốn mua phải đặt cọc trước thì bên em mới nhập hàng về. Hàng của Mỹ có thể phát hiện được hoạt động của súng bắn tốc độ cách xe từ 1,2 – 1,5km, dư sức để tài xế đi chậm lại”.

Cũng theo tìm hiểu của PV, ở một vài cửa hàng có sản phẩm tương tự đều không ghi rõ nhãn hiệu, chỉ ghi sản xuất ở Chicago, Mỹ, Canada. Theo lời các chủ hàng thì những thiết bị này bên Mỹ không sử dụng được nữa vì cảnh sát Mỹ đã được trang bị loại súng bắn tốc độ hiện đại hơn. Vì vậy, những nguồn hàng như thế được các đầu nậu tuồn về Việt Nam với giá “mềm” để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Miếng dán “thần kỳ” chống bắn tốc độ

Không chỉ dừng lại ở các thiết bị đắt đỏ để đối phó với CSGT, trên thị trường còn đang “thịnh hành” một thiết bị khác có tên là miếng dán chống bắn tốc độ cũng đang được rất nhiều tài xế săn lùng.

Lần theo địa chỉ mayphathienbantocdo… đang rao bán mặt hàng này, PV đã kết nối với số điện thoại 097xxx0805 được một người tên Huy, giọng miền Nam trả lời. Khi được hỏi về tác dụng của thiết bị, Huy cho biết: “Miếng dán thực tế là lớp chống chụp ảnh biển số xe bằng lớp phim phủ ngoài. Khi bị bắn tốc độ thì biển số sẽ không hiện lên trên camera của CSGT. Dụng cụ này hoạt động theo nguyên tắc đơn giản là nếu nhìn thẳng thì CSGT có thể lấy trọn vẹn hình ảnh biển số xe nhưng nhìn chéo thì sẽ khiến biển số xe bị lóa đi. Anh cần “hàng” thế nào bên em có thể chuyển cho theo đường bưu điện, giá khoảng 700.000 – 900.000 đồng, anh tha hồ thả ga mà không sợ CSGT tuýt còi”.

Không những thế, Huy cũng chỉ cho chúng tôi cách mà người ta “sáng chế” ra loại thiết bị này. Theo Huy, thiết bị có vẻ phức tạp nhưng nguyên lý hoạt động không khác gì lớp che màn hình laptop vẫn thường được sử dụng, khiến người ngồi bên cạnh không nhìn thấy. Chỉ có điều sản phẩm được sản xuất theo công nghệ tinh vi hơn, có thể làm “lóa” bất cứ một thiết bị ghi hình tốc độ nào.

Huy còn mách nước, thường thì CSGT không đứng trực diện giữa đường để “bắn” ta mà họ hay ở phía lề đường nên sẽ có một góc chéo nhất định so với biển số xe. Khi “súng thần” của CSGT đọc được tốc độ và camera ghi được hình xe nghi vấn thì điều đặc biệt xảy ra, đó là biển số không hiện lên bất kỳ một con số nào. Từ việc này, cho dù người vi phạm bị gọi lại thì họ có thể “cãi” CSGT.

Một lái xe đường dài cung cấp thêm thông tin, cánh lái xe còn kháo nhau, ngoài miếng dán chống bắn tốc độ, trên thị trường còn “thịnh hành” loại bình xịt có vẻ hiệu quả và giá rẻ hơn nhiều. Khi xịt lên bề mặt biển số xe tạo ra một lớp màng có tác dụng với tia lase từ máy bắn tốc độ. Trong đó, loại bình xịt có hóa chất chỉ cần xịt một lần là có tác dụng vĩnh viễn, nhưng cũng có những loại thỉnh thoảng phải xịt lại để đảm bảo khi nào đối diện với CSGT thì xe cũng “an toàn”.


Chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng thiết bị chống bắn tốc độ
Trao đổi vấn đề này với báo chí, Thiếu tá Lê Hồng Thái, Phó phòng CSGT tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Trong quá trình làm việc, tôi cũng nghe nói về thiết bị dán biển số xe khiến súng bắn tốc độ không thể ghi lại được biển số. Tuy nhiên đến nay, chúng tôi chưa phát hiện trường hợp nào có gắn miếng dán trên”. Trung tá Nguyễn Quốc Ân, Trạm trưởng trạm CSGT Quốc lộ 1A, Công an tỉnh Ninh Bình cũng cho hay: “Nếu miếng dán đó xuất hiện ở Việt Nam thì rất nguy hiểm. Vì tâm lý nhiều tài xế xe tải, xe khách luôn muốn trang bị thêm những thiết bị nhằm che đậy những vi phạm của mình khi tham gia giao thông”.

Theo Trung Dũng (Đời sống & Pháp luật)