Đôi chân bị tàn tật vì tai nạn trong một chuyến đi biển nhưng
vì tình yêu với Hoàng Sa, ông Nguyễn Thành Nam (52 tuổi, ngụ xóm Gành Cả, thôn
Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã vay 30 triệu
đồng tự trang bị một máy Icom (bộ đàm) đặt ở nhà, để... “nối” gia đình ngư dân
với thuyền buồm ngoài Hoàng Sa. Gần chục năm gắn bó với nghề "trực
Icom", ông đã hỗ trợ không biết bao
nhiều tàu thuyền của ngư dân, giúp họ vượt qua những thời khắc khó khăn, bão tố
giữa muôn trùng khơi và là cầu nối giữa đất liền với biển, đảo quê hương...
"Vượt" bão tố cùng ngư dân
Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Thành Nam vào lúc trời nhá nhem
tối. Vừa tới ngõ đã nghe tiếng ông Nam nói lớn: "Alô alô, anh em Hoàng Sa
có tin gì không?", đáp lại là tiếng của nhiều tàu cá trả lời háo hức.
Sau khi lược qua thông tin ở Hoàng Sa mà ngư dân báo về, ông
Nam thông tin tình hình thời tiết trên đảo cho họ: "Anh em yên tâm, ba
ngày tới thời tiết ở Hoàng Sa rất thuận lợi. Không mưa, tầm nhìn xa trên 10km,
gió đông bắc đến đông cấp 4. Chúc anh em thuận buồm xuôi gió. Anh em nào muốn hỏi
thêm tin tức gia đình đề nghị chuyển qua tần số riêng".
Công việc thường ngày của ông Nam.
Vừa dứt lời, Icom vang lên tiếng "Alô !... Alô !... Alô
!... anh Nam nghe rõ không?. Tôi là Trương Bánh đây, thuyền trưởng tàu cá QNg
95337 đây, alô?”. "Tôi Nam nghe rõ, Bánh và các thuyền viên khỏe không?
Chuyến này đi trúng không?...”, ông Nam nói vào máy cầm trên tay. Đó là công việc
của ông vào những ngày sóng yên biển lặng. Còn những ngày mưa, bão ông phải trực
24/24h, liên tục bật máy để nhanh chóng tiếp cận thông tin của ngư dân từ Hoàng
Sa báo về.
Xem lại cuốn nhật ký đã xỉn màu, ngược dòng thời gian ông
Nam chia sẻ, sáu năm làm nghề "trực Icom" ông nhớ nhất là bão Conson đổ
bộ vào Biển Đông hồi tháng 7/2010. Vì đài báo không rõ hướng đi của nó nên hàng
chục tàu của ngư dân Bình Châu nằm trọn trong tâm bão. Khi biết thông tin, làng
chài kéo hết về đài Icom Gành Cả chờ tin. Những người vợ, người mẹ không liên lạc
được với chồng con khóc nức nở, nghẹn ngào.
Hơn một tuần lễ, ông Nam hầu như thức trắng, bỏ cả vợ con
nhà cửa đến ăn ngủ tại đài trực. "Bão đổ bộ lúc 1h sáng, đến 5h sáng tôi
nhận được tin tàu cá ông Trương Quang Tri (ngụ ở Bình Châu) bị chìm. Tôi vội
báo cho các tàu cá gần đó đến ứng cứu và báo cho Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu
nạn hàng hải khu vực 2 (Đà Nẵng). Nhưng chỉ cứu được một số ngư dân, còn các
anh em còn lại đã mất tích", ông Nam giọng trầm buồn kể.
Ông Nam xem lại cuốn nhật ký Hoàng Sa của mình.
Bão đi qua, lão ngư này được ông Nguyễn Xuân Huế, nguyên Chủ
tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi trao tặng bằng khen vì đã có thành tích trong công
tác cứu hộ trên biển năm 2010. Nhưng niềm vui của ông không trọn vẹn, vì hết trận
bão ấy, sáu ngư dân ở xóm Gành Cả của ông mãi mãi không trở về.
Để các ngư dân yên tâm vươn khơi, ông Nam chủ động liên lạc
thường xuyên với Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Đà Nẵng),
để thông báo cứu hộ mỗi khi có tàu thuyền của ngư dân gặp nạn. Thậm chí, ông
còn liên lạc với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn nhằm nắm trước thông tin dự
báo bão gió, áp thấp. "Họ không là anh em thì cũng là hàng xóm láng giềng,
nghề biển ai cũng muốn thuận buồm xuôi gió nhưng đôi khi… Mình ở đất liền, giúp
được anh em việc nào thì mình phải làm hết sức có thể", ông Nam chia sẻ.
Người con của biển cả
Ngược dòng thời gian gần 20 năm về trước, ông Nam tần ngần
nhớ lại câu chuyện buồn của đời mình. Ông từng là một ngư dân giỏi của làng
chài Gành Cả. Hơn 16 tuổi theo gia đình làm nghề chài lưới, chẳng nơi nào từ
Hoàng Sa, đến Trường Sa mà ngư dân một lòng quyết chí vươn khơi bám biểm này chưa
từng đặt chân đến.
Âu cũng là số phận, "đứa con của biển" như ông Nam
cũng có ngày gặp nạn ngay dưới chân sóng. Chuyến đi Hoàng Sa cách đây gần 20 năm
là chuyến đi biển cuối cùng với ông. Trời mùa hè nắng cháy, nghỉ trưa xong ông
cùng các thuyền viên ngậm ống hơi nhảy xuống biển lặn hải sâm, tôm hùm... Ở độ
sâu 40m, bất ngờ đầu óc ông choáng váng, biết chuyện chẳng lành, ông ra hiệu
cho các bạn thuyền kéo lên tàu. Đến nơi, người ta phát hiện toàn thân ông tím
ngắt.
Một năm chạy chữa ở Quảng Ngãi nhưng đôi chân vẫn không lành
lặn. Một năm sau, tại TP. HCM thành lập Trung tâm Oxy cao áp,
vợ ông bà Nguyễn Thị
Nga (51 tuổi) cố gắng chạy khắp nơi vay tiền, để lại đưa ông vào chữa trị. Hơn
hai năm điều trị, mạng sống của ông mới được cứu lại từ tay thủy thần, nhưng cũng
từ thời điểm đó, ông Nam phải mang đôi chân khập khễnh cả đời và mãi xa luôn
nghề biển. “Gần 20 năm không trở lại biển khơi, nỗi nhớ Hoàng Sa cồn cào trong
tôi. Nhìn những ngư dân mang đồ lặn chèo thúng đi đánh bắt, tôi lại ước gì mình
có thể lành lặn để quẫy đạp trùng khơi, tìm nguồn hải sản. Nhưng biết sao giờ...”,
ông trầm tư chia sẻ.
Có lẽ vì tình yêu dành cho Hoàng Sa quá lớn mà ông gắn đời
mình với nghề "vác tù và hàng tổng" trực đài Icom cộng đồng không lương.
Năm 2009, khi người trực đài Icom của xóm Gành Cả tuổi đã cao, không còn theo
sát được thông tin thời tiết để thông báo cho anh em ngư dân đang đánh bắt ở
Hoàng Sa và báo cáo thông tin quan trọng ở Hoàng Sa lên trên, ông Nam xung
phong lên cầm máy liên lạc với Hoàng Sa, rồi từ đó được ngư dân tín nhiệm cho
giữ đài thông tin này. Làm trên đài Icom cộng đồng Gành Cả được ba năm, ông Nam
được cất nhắc lên làm thư ký Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu. Nhưng vì đôi
chân "hành", không thể di chuyển xa thường xuyên, nên ông xin từ chức.
Một trong những bằng khen mà ông Nam đạt được trong gần chục năm làm nghề "trực Icom".
Ông về "vườn" được hơn một tháng, thì nhiều ngư dân tìm đến tận nhà
thuyết phục quay lại đồng hành cùng họ mỗi chuyến ra khơi. Vậy là lão ngư quyết
định đi vay mượn 30 triệu đồng tự trang bị một máy Icom ở nhà để tiện liên lạc
với các tàu ở Hoàng Sa. Máy mua về, ông đặt ngay ở chân giường ngủ để mỗi khi
ngư dân gọi là ông có mặt. “Ngày nào gọi Icom ra ngoài nghe tiếng sóng vỗ, nghe
tàu cá của anh em đang hoạt động tốt là tôi vui lòng lắm. Đây cũng là cách để
tôi vơi đi nỗi nhớ Hoàng Sa", lão ngư này chia sẻ. Chưa hết, trong những
ngày tàu “lạ” tấn công tàu ngư dân bị, tài sản bị cướp, va chạm hư hỏng máy móc
rất nhiều, thì ông Nam ngày nào cũng lên xã, huyện, tỉnh để chứng đơn cho người
dân Gành Cả. Ông còn gửi lên các cấp chính quyền xin nguồn hỗ trợ cũng như bảo
hiểm đền bù sớm cho ngư dân có tiền sắm sửa tàu thuyền ra khơi
.
Nói về lão ngư này, ngư dân Võ Văn Tẩn (50 tuổi, ngụ xã Bình
Châu, huyện Bình Sơn – chủ tàu cá QNg 95431 TS), chia sẻ: "Cũng may có anh
Nam mà chúng tôi yên tâm ra khơi. Không chỉ thông báo cho ngư dân thời tiết
trên biển, mà khi tàu thuyền gặp nạn, hay bị tàu Trung Quốc tấn công gọi về báo
cho anh Nam là được hỗ trợ thông tin, cứu giúp ngay".
Sóng biển vỗ rì rào bên mé làng Gành Cả. Những chiếc tàu
thuyền tiếp tục ra khơi. Và họ mạnh mẽ hơn giữa biển khơi khi nắm bắt được
thông tin thời tiết và được nghe tiếng người thân ở nhà thông qua đài Icom của
ông Nam.
"Ngọn hải đăng thông tin"Trao đổi với PV , ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu cho biết, ông Nguyễn Thành Nam là người rất tâm huyết với ngư dân, dù đi lại khó khăn nhưng vẫn luôn theo dõi sát tình hình của ngư dân đánh bắt ngoài Hoàng Sa. Chiếc máy Icom của ông Nam như "ngọn hải đăng thông tin", giúp tàu thuyền trên biển tránh được thiên tai bão tố, nối đất liền với biển khơi.
Theo Dương Kha (Đời sống & Pháp luật)